Tại tỉnh Ninh Thuận, thời gian vừa qua các trận mưa kéo dài nhiều ngày, lũ lụt đã xuất hiện tại nhiều địa phương, không chỉ làm thiệt hại tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi.
Sau lũ lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do rau màu bị lũ cuốn trôi, hư hỏng, đồng ruộng, đồng cỏ bị ngập nhiều ngày trong nước gây úng, dính nhiều bùn đất, ô nhiễm; khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Môi trường sau lũ, lụt bị ô nhiễm nghiêm trọng, đây là thời điểm dịch bệnh dễ bị phát sinh và lây lan trên đàn gia súc, gia cầm.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm sau mưa, lũ không để dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Bà con chăn nuôi cần thực hiện những công việc cần thiết để chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm như sau:
1. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Chuồng trại: dọn vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, che chắn gió lùa, tạo các rãnh thoát nước xung quanh chuồng để nền khô ráo, tăng chất độn chuồng, tránh để cho gia súc, gia cầm nằm nơi ẩm ướt;
- Thức ăn (cỏ, rơm) phải rửa sạch bùn đất, nước uống phải được khử trùng, không cho gia súc uống nước ở những nơi tù đọng nhiều bùn đất. Đối với đàn gia súc lớn phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên thì chăn dắt nơi cao ráo, cỏ không ngập úng;
- Sau mưa, lũ phần lớn nguồn thức ăn thô xanh đều khan hiếm. Vì thế, có thể tăng thêm lượng thức ăn thức ăn tinh (cám tổng hợp); bổ sung các loại vitamin và khoáng chất (đá liếm), men tiêu hóa để đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm.
- Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như bổ sung thức ăn tinh và các loại thức ăn dinh dưỡng khác (sữa, cám, …), men tiêu hóa để gia súc mau chóng hồi phục sức khỏe và tăng trưởng bình thường.
2. Phòng bệnh cho gia súc, gia cầm:
- Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc gia cầm như: tụ huyết trùng (trâu, bò, dê, cừu, heo) lở mồm long móng, dịch tả heo, phó thương hàn heo; Newcastle, dịch tả vịt và cúm gia cầm…
- Đề phòng các bệnh về đường ruột cho gia súc, đối với trâu, bò, dê cừu cần đề phòng bệnh chướng hơi dạ cỏ do ăn phải thức ăn ngấm bùn, các bệnh viêm móng, thối móng gia súc…các bệnh tiêu chảy trên heo và gia cầm.
- Cần quan tâm theo dõi phát hiện bệnh sớm, cách ly, điều trị kịp thời để tránh thiệt hại về kinh tế, góp phần ổn định sản xuất chăn nuôi trong thời gian sau mưa, lũ cũng như những vụ mùa tiếp theo.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Bác sỹ thú y Nguyễn Điều