Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang được các ngành, địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm, do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, nhất là cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra và giám sát.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có giấy phép kinh doanh, trong đó có 54 cơ sở được Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát tại cơ sở, 7 cơ sở không được kiểm soát (xếp loại C đang thực hiện đánh giá lại để đảm bảo vệ sinh thú y). Vấn đề xây dựng và quản lý, kiểm soát cơ sở giết mổ ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn do là tỉnh nhỏ, nhu cầu tiêu thụ thấp nên số lượng gia súc giết mổ ít, điểm giết mổ nhỏ lẻ rải rác, một số chủ giết mổ chưa chấp hành đúng quy định…
Tuy vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, lãnh đạo các ngành, các cấp luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai các biện pháp hiệu quả như: Kế hoạch số 1254/KH-BCĐ ngày 13/4/2020 của Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2020; Căn cứ công văn số 1116/SNNPTNT-CCQLCL ngày 21/4/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2020; Thực hiện công văn số 68/CCCNTY-TTPC ngày 22/4/2020 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc triển khai tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2020…
Xác định kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ là biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa mầm bệnh phát tán, bảo đảm môi sinh, môi trường và an toàn thực phẩm, đặc biệt, phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tăng cường chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y cơ sở, phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi, giết mổ...
Tuyên truyền tại hộ Giết mổ heo Phan Thanh Trung, Tân Hải, Ninh Hải.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hàng ngày tại các cơ sở giết mổ. Đồng thời, Chi cục cũng tăng cường kiểm tra việc lưu thông các sản phẩm động vật sau giết mổ tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Từ đó, công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn được bảo đảm, đưa ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Lấy điển hình như tại huyện Ninh Hải, các hộ giết mổ heo trên địa bàn huyện đa số sử dụng heo thịt của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Ninh Thuận tại thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái nên Chi cục đã phân công cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ninh Hải theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xuất, nhập heo tại kho của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Ninh Thuận, thực hiện lập sổ theo dõi việc xuất, nhập heo tại kho, báo cáo về các Trạm Chăn nuôi và Thú y trên địa bàn tỉnh để các Trạm nắm bắt số lượng heo nhập về, dễ dàng hơn trong việc giám sát, truy xuất nguồn gốc heo nhập về tại các địa phương.
Kiểm tra đầu vào tại kho heo CP
Sổ theo dõi xuất nhập heo hàng ngày
Để kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình kiểm tra gia súc trước, trong và sau khi giết mổ tại cơ sở giết mổ. Sau khi gia súc nhập về các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, nhân viên kiểm soát giết mổ tại các Trạm Chăn nuôi và Thú y trên địa bàn huyện tiếp tục kiểm tra, kiểm soát số lượng, triệu trứng, bệnh tích lâm sàng trên thân gia súc trước khi nhập vào cơ sở chờ giết mổ. Trước khi cở sở thực hiện giết mổ, nhân viên kiểm soát giết mổ sẽ thực hiện kiểm tra lâm sàng trên toàn thân gia súc và sau khi cơ sở thực hiện giết mổ nhân viên tiến hành kiểm tra bệnh tích trên thân thịt, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ đóng dấu trên thân thịt cho xuất bán, nếu không đạt xử lý theo quy định của nhà nước.
Nhân viên Kiểm soát giết mổ kiểm tra và đóng dấu tại cơ sở giết mổ.
Tuy nhiên, để công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương cũng như toàn thể nhân dân. Qua đó, cần vận động nhân dân nêu cao tinh thần, ý thức tự giác phát hiện và khai báo kịp thời những trường hợp kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, chưa được kiểm dịch, chưa kiểm soát giết mổ, không rõ nguồn gốc bệnh chết, các hộ chăn nuôi không chấp hành quy định phòng, chống dịch. Hơn hết, công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm cần thực hiện rộng rãi, có hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân. “Hãy để thực phẩm khi đến bàn ăn của người dân là thực phẩm sạch”.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hải