QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, ĐÁNH GIÁ VÀ CÔNG NHẬN AN TOÀN
DỊCH BỆNH ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT TÔM GIỐNG CỦA TỈNH
NINH THUẬN
Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có chiều dài bờ biển hơn 105 km, là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống. Hàng năm, Ninh Thuận sản xuất trên 25 tỷ con tôm giống, cung cấp trên 50% lượng tôm giống cho nghề nuôi tôm cả nước. Sự phát triển nghề sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho nghề nuôi tôm của Việt Nam, cũng như sự phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 3 khu vực tập trung các cơ sở sản xuất tôm giống (An Hải-Ninh Phước, Ninh Hải và Cà Ná-Thuận Nam) với 450 cơ sở/hơn 1.200 trại sản xuất, tổng công suất bể ương nuôi hơn 145.639m3.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật về dịch bệnh đối với các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Các thị trường thủy sản lớn của Việt Nam như Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả rập xê-út, Bra-xin, Mê-xi-cô, ... đã hạn chế nhập khẩu sản phẩm thủy sản, áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm 100% lô hàng hoặc thậm chí tạm dừng nhập khẩu. Các nước nhập khẩu có quy định hoặc viện dẫn các quy định của OIE và WTO về việc động vật, sản phẩm động vật thủy sản khi xuất khẩu phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng, lãnh thổ hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB). Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có vùng, cơ sở sản xuất tôm đạt tiêu chuẩn ATDB. Mặt khác, để gây khó khăn cho quốc gia xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước, các nước cũng đã và đang đưa ra lý do về nguy cơ dịch bệnh. Do đó, nếu không đạt ATDB, các nước nhập khẩu sẽ không chấp nhận sản phẩm tôm hoặc chấp nhận nhưng sẽ lấy mẫu 100% lô hàng để xét nghiệm mầm bệnh, chất tồn dư. Điều này sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì vậy, để sản phẩm thủy sản tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường thế giới một cách bền vững, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải được công nhận là cơ sở ATDB.
Trước những rào cản kỹ thuật, các quy định của OIE và WTO về việc động vật, sản phẩm động vật thủy sản khi xuất khẩu phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 14/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016, Quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Ninh Thuận để trở thành và giữ vững uy tín “Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước”, sản xuất ra tôm giống có đủ số lượng và chất lượng tốt cung cấp cho vùng nuôi tôm thương phẩm tại địa phương và trong cả nước, thì nghề sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải chủ động xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh.
Từ năm 2017, Ninh Thuận đã triển khai tổ chức hướng dẫn thực hiện “Kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh tại cơ sở sản xuất giống thủy sản. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập Tổ tư vấn ATDB; trong đó xác định rõ mục tiêu, nội
dung cần thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân để tổ chức thực hiện hướng dẫn các cơ sở tham gia một số nội dung:
- Cung cấp toàn bộ tài liệu hướng dẫn để các cơ sở nghiên cứu và thực hiện các nội dung về cơ sở ATDB;
- Phân công các thành viên trong Tổ công tác trực tiếp đến cơ sở để: Hướng dẫn thiết kế, bố trí trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải và tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh; đào tạo kiến thức về các nguyên tắc và thực hiện tốt an toàn sinh học bằng nguồn lực của cơ sở, bảo đảm các Kế hoạch giám sát dịch bệnh và Kế hoạch an toàn sinh học theo đúng quy định; Hệ thống cảnh báo phát hiện sớm dịch bệnh; Các quy trình vận hành trong sản xuất; Các quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng của cơ sở; Công tác thực hiện giám sát chủ động và giám sát bị động; Xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp dịch bệnh; Hướng dẫn cơ sở thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất, quản lý thông tin, dữ liệu và hồ sơ, bảo đảm truy xuất thông tin thuận tiện, phù hợp, đầy đủ và chính xác, … .
- Ngoài ra, hằng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận phối hợp với Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng VI tổ chức tập huấn: Rà soát và có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị, các nguồn lực khác nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học tại các cơ sở sản xuất giống; Các quy định pháp luật về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, điều kiện để đạt được cơ sở ATDB, các tiêu chí đánh giá cơ sở ATDB; Hướng dẫn kỹ thuật về công tác xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh tại cơ sở, báo cáo kết quả giám sát, lập hồ sơ lưu giữ và đề nghị công nhận cơ sở ATDB.
Kết quả thực hiện:
1. Kết quả:
Sau thời gian thực hiện từ năm 2017 đến nay, Ninh Thuận đã có 16 cơ sở đăng ký tham gia thực hiện chương trình giám sát an toàn dịch bệnh động vật thủy sản giống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập đoàn, tổ chức đánh giá và thẩm định tại cơ sở sản xuất, đã kiểm tra, chứng nhận cho 08 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản đối với 03 bệnh nguy hiểm: (1) Đốm trắng do vi rút (White spot disease-WSD), (2) Hoại tử gan tụy cấp tính (Acute heppatopancreatic necrosis disease-AHPND), (3) Hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis disease-IHHNV) như: Công ty TNHH MTV sản xuất giống thủy sản Hoàng Danh, Công ty TNHH tôm giống Châu Phi, Công ty TNHH giống thủy sản Phước Thắng Ninh Thuận, Công ty Cổ phần đầu tư S6, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh 2 tại Ninh Thuận, Công ty TNHH giống thủy sản Hisenor Việt Nam, Công ty Cổ phần công nghệ tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh, Công ty TNHH giống thủy sản Uni-President Việt Nam.
.png)
2. Quyền lợi của các cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh động vật:
- Được hưởng các quyền lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 55 của Luật Thú y;
- Khi xuất bán giống động vật thủy sản không phải lấy mẫu xét nghiệm theo xe ô tô/xe chuyên dụng (Định kỳ thu mẫu xét nghiệm 1 lần/năm);
- Được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu;
- Được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
3. Dự kiến trong thời gian đến:
Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiến hành thành lập Đoàn đánh giá công nhận Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản cho 04 cơ sở sản xuất giống thủy sản đã được thực hiện giám sát sau 24 tháng khi có báo cáo đầy đủ theo quy định. Tiếp tục hướng dẫn giám sát cho 04 cơ sở đang thực hiện chưa đủ 24 tháng theo quy định và sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở còn lại tiếp tục đăng ký tham gia chương trình ATDB./.
|
Tin, ảnh: Đặng Văn Hiệp
(Chi cục Chăn nuôi và Thú y)
|