Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên trên gia súc, gia cầm ( như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm,…) đã xảy ra ở phạm vi rộng hơn, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, gây tổn thất lớn về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; kết quả giám sát chủ động cho thấy hiện nay các loại mầm bệnh còn lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ tương đối cao.
Tại tỉnh Ninh Thuận, dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại đã xảy ra tại 45 hộ chăn nuôi của 22 thôn/khu phố thuộc 09 xã, thị trấn của 03 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái). Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật từ cấp tỉnh đến cấp xã đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP. Hiện nay, dịch bệnh DTLCP tại các địa phương đã qua 30 ngày, không tái phát, dịch bệnh ổn định. Các huyện đã ban hành các quyết định công bố hết dịch bệnh DTLCP trên địa bàn xã đã xảy ra dịch.
Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết những tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại phát tán rộng; việc hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu năm 2020 tăng mạnh; việc tái đàn gia súc, gia cầm và tái đàn lợn tăng mạnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh dễ phát sinh, gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất cao.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có thể phát sinh trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, không chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch với dịch, nhất là vùng dịch, vùng đệm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 467/BNN-TY ngày 25/01/2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch động vật trước trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các phòng ban, các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ (nhất là các ổ dịch bệnh DTLCP, LMLM, tai xanh heo, cúm gia cầm,..), xử lý triệt để không để dịch tái phát; không được vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm đang mắc bệnh, vút xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng.
- Tổ chức tuyên truyền người chăn nuôi, buôn bán vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng; thực hiện thường xuyên công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng; chăn nuôi an toàn sinh học hạn chế nguy cơ bùng phát, làm lây lan mầm bệnh; đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và giảm thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi; triển khai thực hiện công tác tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin (LMLM, cúm gia cầm,Tai xanh,…) cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong năm 2019; gia súc, gia cầm mới tái đàn đã đến tuổi tiêm phòng.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, lò mổ, điểm giết mổ, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao..
- Thành lập Đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở tập kết, kinh doanh, giết mổ, gia súc, gia cầm, trên địa bàn. Nhất là nguồn gia súc, gia cầm từ các tỉnh về Ninh Thuận để giết mổ hoặc chăn nuôi. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch, các qui định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật tại địa phương.
- Báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật từ cấp thôn, khu phố đến xã, huyện theo đúng quy định hiện hành.
2. Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thành phố các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương; xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để chủ động ứng phó khi có ổ dịch phát sinh trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ; tổ chức trực phòng, chống dịch trong dịp Tết, thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ theo quy định; Phối hợp với Đoàn liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra và xử lý triệt để việc mua bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi qui định và không qua kiểm tra vệ sinh thú y, làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với các UBND xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát lâm sàng, phát hiện sớm các ổ dịch, nhất là dịch DTLCP, cúm gia cầm (A/H5N1, A/H7N9), LMLM, tai xanh heo trên địa bàn mình phụ trách, khu vực giáp ranh với các ổ dịch cũ, các xã có dịch để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.
3. Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc, các Chốt Kiểm dịch tạm thời: Bố trí cán bộ trực 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tiêu độc bổ sung tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm kiểm dịch vận chuyển theo đúng quy định của Pháp lệnh thú y hiện hành.
- Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường thời lượng kiểm tra ngày và đêm trên tuyến Quốc lộ 1A, 27 và 27B, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phân công cán bộ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 26/01/2020 (nhằm ngày mùng 2 Tết Canh Tý) tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo tiếp theo./.
Người viết: Nguyễn Điều