Tôm là một trong các đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Diện tích và sản lượng tôm nuôi của nước ta ngày càng tăng; đến 9 tháng đầu năm 2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 705.209 ha (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 606.661 ha, diện tích thả nuôi tôm chân trắng là 98.548 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 504.413 tấng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, sản lượng tôm sú là 181.585 tấn, sản lượng tôm chân trắng là 322.828 tấn (báo cáo Tổng cục Thủy sản 2019). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật về dịch bệnh đối với các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Các nước nhập khẩu có quy định hoặc viện dẫn các quy định của OIE và WTO về việc động vật, sản phẩm động vật thủy sản khi xuất khẩu phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB).
Ninh Thuận được biết đến là một tỉnh có nghề sản xuất tôm giống phát triển. Đến 2019, toàn tỉnh có 498 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó có 275 cơ sở hoạt động sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và 223 cơ sở sản xuất tôm sú giống, hàng năm cung cấp 30-35 tỷ con tôm giống (chiếm 33% tổng số lượng tôm giống cả nước); Để có thể trở thành và duy trì là trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao, sản xuất ra đàn con tôm giống có đủ số lượng và chất lượng tốt cung cấp cho ngành công nghiệp nuôi tôm thương phẩm tại địa phương và trong cả nước, thì nghề nuôi tôm ở Ninh Thuận phải chủ động xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh.
Với tinh thần chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh trong thực hiện Nghị quyết của Tỉnh nhà trong phát triển ngành sản xuất tôm giống trên cơ sở quy định xây dựng An toàn dịch bệnh trên tôm giống của Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; từ năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể từng nội dung, theo từng yêu cầu đối với cơ sở ATDB thực hiện và thành lập Tổ tư vấn ATDB; trong đó xác định rõ mục tiêu, nội dung cần thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân để tổ chức thực hiện hướng dẫn các tổ chức tham gia. Đến ngày 06/6/2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp Công ty TNHH MTV sản xuất giống thủy sản Hoàng Danh thống nhất Kế hoạch đăng ký số 01/KH-HD về việc Chứng minh cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn sạch bệnh.
Theo quy định của Luật thú y, hướng dẫn của OIE, trên cơ sở kết quả đánh giá của Đoàn thẩm định Chi cục Chăn nuôi và Thú y; sau hơn 2 năm (kể từ tháng 6 năm 2017) Công ty TNHH MTV sản xuất giống thủy sản Hoàng Danh lần đâu tiên xây dựng thành công cơ sở sản xuất tôm giống đạt tiêu chuẩn ATDB theo khuyến cáo của OIE. Ngày 25/10/2019, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã Cấp Giấy Chứng nhận số 02/TY-ATDB về việc công nhận cơ sở sản xuất tôm giống ATDB của Công ty TNHH MTV sản xuất giống thủy sản Hoàng Danh tại thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đáp ứng tiêu chí ATDB.
Một số hình ảnh của công ty:
Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hải