Sau khi khi nhận được thông tin từ địa phương có hiện tượng cá bớp nuôi thương phẩm của các hộ nuôi lồng bè tại vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) bỏ ăn chết không rõ nguyên nhân; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với địa phương để xuống tận lồng nuôi cá tại vịnh để nắm bắt tình hình và ghi nhận mức độ nhiễm bệnh, đánh giá tỷ lệ chết trên cá bớp nuôi thương phẩm.
Sáng ngày 12/10/2019, Chi cục đã cử 2 thành viên xuống các lồng nuôi và ghi nhận một số thông tin. Trong vịnh Vĩnh Hy xã Vĩnh Hải hiện có 78 bè nuôi, các lồng được thả các đối tượng như tôm hùm, cá chim trắng, cá bớp. Các lồng nuôi cá có diện tích 3,2m2, chiều sâu của lồng 3,5m; các bè nuôi cá có hiện tượng bỏ ăn kể từ đầu tháng 10/2019 và chết rải rác từ 10-20 con.
Cá chết sau thời gian bỏ ăn
Duy nhất có bè nuôi của ông Nguyễn Thành Bình thả nuôi 1.500 con cá bớp giống (kích thước 15cm) nuôi trong 20 lồng, đến nay, cá bớp được 7 tháng tuổi với kích cỡ 4-5kg và đã chết 600 con. Cá có hiện tượng bỏ ăn, bơi lờ đờ vòng tròn trên mặt nước, đớp không khí, trên da nổi các đốm trắng toàn thân và có đốm đỏ xen lẫn, mắt mờ đục; sau 2 ngày cá bơi yếu và dẫn đến chết. Anh Bình đã sử dụng hóa chất để tắm cho cá như Formalin, thuốc tím, oxi già và đồng thời di chuyển bè nuôi ra ngoài đầu cửa vịnh.
 |
|
|
Cá lờ đờ, bơi vòng tròn trên mặt nước |
Cá xuất hiện các đốm trắng toàn thân và có xen kẽ chấm đỏ |
Các đốm trắng quan sát trực tiếp cá đang sống |
Qua nhận biết các dấu hiệu bệnh trên cá, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng VI để chỉ định kiểm tra, xét nghiệm mầm bệnh hoại tử thần kinh trên cá bớp, đây là bệnh nguy hiểm buộc phải công bố dịch theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngày 14/10/2019, Chi cục Thú y vùng VI đã có Thông báo số 14990/TYV6-TH về kết quả xét nghiệm âm tính với mẫu cá bớp; qua đó, cá bớp nuôi thương phẩm trên lồng bè tại vịnh Vĩnh Hy không bị nhiễm vi rút nguy hiểm gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN).
*Một số phương pháp điều trị khuyến cáo cho các hộ nuôi:
Để trị bệnh do vi khuẩn Vibrio: dùng Tetracyline với liều lượng 200 mg/kg thức ăn và Vitamin C với lượng 30 mg/kg thức ăn, sử dụng cho cá trong 5 - 7 ngày liên tục. Tắm nước ngọt cho cá bị bệnh trong thời gian 10 - 15 phút, sau đó xử lý bằng các loại thuốc hoặc hóa chất sau: Dùng Tetracyline với liều lượng: 10 - 20 g/m3 nước, thời gian tắm cho cá 15 - 30 phút; Hoặc hòa tan dung dịch Formol 50 - 100 ml vào thùng chứa 100 lít nước biển để tắm cho cá, theo dõi các phản ứng hoạt động của cá; tắm liên tục trong 4 - 5 ngày. Chú ý khi khi tắm cho cá phải kết hợp với sục khí mạnh.
Để trị bệnh do ký sinh trùng: Đồng II sunfat (CuSO4.5H2O); giảm độ mặn trong một số trường hợp (hoặc tắm cá bị bệnh trong nước ngọt khoảng 10 – 15 phút); tắm nhanh bằng dung dịch formol 20 - 30ml/100lít nước biển có sục khí mạnh trong 10 - 15 phút hoặc sử dụng hóa chất formaline hàm lượng 50 ppm khi tắm trong khoảng 2-4 ngày.
Để trị bệnh do nấm: Tắm cá trong nước ngọt khoảng 10 - 15 phút. Sau đó tắm nhanh bằng dung dịch formaline 10 - 30ml/100lít nước biển có sục khí mạnh từ 10 - 15 phút.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hải