Bệnh Dịch tả lợn châu phi (DTLCP) xâm nhiễm vào Việt Nam từ đầu tháng 2/2019, tính đến ngày 14/9/2019 bệnh đã xuất hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố với 642 huyện, 7.566 xã; tổng số lợn đã tiêu hủy là 4.986.572 con với tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 287.094 tấn chiếm 7,3% tổng trọng lượng thịt lợn trong cả nước; làm cho tổng đàn lợn của cả nước giảm mạnh (khoảng 22 triệu con, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018) do mắc bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy và các hộ nuôi không dám tái đàn.
Ninh Thuận, ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện tại Thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn. Lũy kế đến ngày 15/9/2019 số lợn đã tiêu hủy là 469 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 28.586 kg của 13 hộ chăn nuôi tại 10 thôn/khu phố thuộc 06 xã/thị trấn của 03 huyện: Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái.
Để bảo vệ những đàn lợn còn lại trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào trại, hộ nuôi. Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc một số biện pháp phòng chống quan trọng như sau:
•Biện pháp thứ nhất: Tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách:
+ Cung cấp đầy đủ thức ăn với đầy đủ dưỡng chất như Đạm, các vitamin, khoáng chất,…nhằm tăng sức khỏe cho đàn lợn. Tuyệt đối không nên cho đàn lợn ăn thức ăn dư thừa, phụ phẩm, các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn.
+ Bổ sung thường xuyên các chất phụ gia có thành phần Axít hữu cơ, vi sinh vật có lợi, enzym: Nhằm tạo đường ruột khỏe mạnh, vững chắc, là môi trường bất lợi cho vi rút DTLCP, từ đó ngăn chặn vi rút DTHCP xâm nhập qua đường tiêu hóa vào máu để gây bệnh.
•Biện pháp thứ hai: Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, sát trùng:
+ Đối với môi trường bên trong chuồng trại, dụng cụ, các trang thiết bị chăn nuôi: phải phun xịt sát trùng bằng hóa chất có khả năng tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh với tần xuất 2 lần/tuần
+ Đối với môi trường xung quanh chuồng trại: phát quang bụi rậm, Rải vôi xung quanh khu vực chuồng nuôi, cửa ra vào, hố sát trùng,…
+ Vệ sinh, tiêu độc, sát trùng các phương tiện vận chuyển, các thiết bị cơ giới phục vụ chăn nuôi, mua bán lợn.
•Biện pháp thứ ba: Cách ly nguồn nguy cơ lây nhiễm:
+ Ngăn cấm người lạ, xe cộ vào khu vực chăn nuôi;
+ Tắm rửa thay quần áo, mũ nón, trang phục bảo hộ lao động của trại/hộ khi vào khu vực chăn nuôi;
+ Áp dụng các biện pháp ngăn chặn côn trùng, động vật trung gian, động vật gây hại (chuột, chim, chó, gà, …) ra vào khu vực chuồng nuôi;
+ Kiểm soát chặt chẽ các bao bì đựng thức ăn cho lợn (nên tháo bỏ vỏ các bao cám để bên ngoài khu vực chuồng nuôi hoặc đốt hủy)
•Biện pháp thứ tư: Đàn lợn phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh như: vaccin Dịch tả lợn, vaccin Lở mồm long móng, vaccin Tụ huyết trùng, vaccin Tai xanh, …
Ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP nêu trên, đối với các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, nên thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm phòng, chống bệnh DTLCP xâm nhiễm vào đàn lợn./.
Phòng Quản lý dịch bệnh